80A Lê Hồng Phong, P3, TP.Sóc Trăng - 27/6 Trần Hưng Đạo, P3, TP.Sóc Trăng

Suy thận mạn là gì?

Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, có chức năng chính là tạo thành nước tiểu, tái hấp thu và bài tiết các khoáng chất, sản phẩm chuyển hóa từ thực phẩm, thuốc và các chất độc hại, tạo ra các hormone giúp sản sinh hồng cầu, tăng cường sức khỏe của xương và điều hòa huyết áp.

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận một phần hoặc hoàn toàn tùy vào mức độ bệnh, dẫn tới giảm hoặc không thể đào thải chất độc hại và dịch thừa ra khỏi máu.

Suy thận mạn giai đoạn 5 là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Đây là giai đoạn nặng nhất với mức lọc cầu thận (GFR) < 15ml/ph/1,73m2, biểu hiện bằng hội chứng urê máu cao, kali máu cao hay toan chuyển hóa. Tình trạng này có thể gây tử vong, nếu không được điều trị thay thế thận.

Có 3 phương pháp thay thế thận: Thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Người bệnh có thể lựa chọn tùy thuộc vào bệnh nền, tình trạng sức khỏe, kinh tế, sau khi đã được bác sĩ tư vấn rõ ràng từng phương pháp. Trong những phương pháp trên thận nhân tạo đang được nhiều người lựa chọn vì an toàn, chi phí hợp lý.

Thận nhân tạo là gì?

Thận nhân tạo hay lọc thận là quá trình lọc máu ngoài cơ thể. Máy chạy thận sẽ được nối kết vào vòng tuần hoàn máu của cơ thể, máu từ cơ thể sẽ đi qua quả lọc của máy lọc thận để lọc bỏ các chất độc, muối và nước thừa, sau đó máy sẽ trả máu sạch về cơ thể.

Khi chạy thận nhân tạo, điều dưỡng sẽ tiến hành chích 2 cây kim vào cánh tay có cầu nối mạch máu của người bệnh hoặc catheter. Mỗi cây kim sẽ được gắn vào một ống mềm kết nối với máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc rồi đưa máu trở lại cơ thể của người bệnh. Trong quá trình này, máy lọc máu sẽ kiểm tra huyết áp và kiểm soát tốc độ bơm máu chảy qua màng lọc cùng lượng chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.

Hiện nay Khoa thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa Hoàng Tuấn có 22 máy chạy thận nhân tạo, trong đó 20 máy chạy thận HD 4008S và 02 máy chạy thận kỹ thuật cao HDF Online của hãng Fresenius Medical Care (Đức).

Thẩm tách siêu lọc kỹ thuật cao HDF Online là gì? Và ưu điểm?

Thẩm tách siêu lọc máu HDF Online là kỹ thuật lọc máu công nghệ cao sử dụng quả lọc high-flux và dịch lọc siêu tinh khiết, cùng hệ thống sản xuất dịch bù liên tục từ dịch lọc với thành phần chất lượng mong muốn. HDF Online kết hợp hai nguyên lý là khếch tán và đối lưu, giúp đào thải tốt các độc tố có trọng lượng phân tử trung bình và lớn trong máu.

Đơn vị lọc máu tại Bệnh viện đa khoa Hoàng Tuấn thực hiện phương pháp HDF Online cho bệnh nhân, sử dụng máy lọc máu hiện đại bậc nhất 5008S của hãng Fresenius Medical Care (Đức) cùng hệ thống RO - Fresenius Medical Care (Đức): nguồn nước siêu tinh khiết.

Ưu điểm:

  • Loại bỏ các độc tố trong máu tốt hơn.
  • Kiểm soát huyết áp tốt hơn, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
  • Cải thiện tình trạng thiếu máu.
  • Cải thiện bệnh lý về xương.
  • Giảm các triệu chứng ngứa, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, sạm da.
  • Giảm triệu chứng chuột rút.
  • Giảm quá trình viêm nhiễm, stress oxy hóa.
  • Tạo cảm giác ăn ngon miệng.

Nên làm gì giữa các đợt chạy thận

Ngoài những biến chứng xảy ra trong quá trình chạy thận, cần phải chú ý tới vấn đề chế độ ăn uống giữa những lần chạy thận để đảm bảo hiệu quả trong quá trình chạy thận.

  • Hạn chế nước nhập: cân bằng lượng nước nhập mỗi ngày( nước lọc, canh, phở, hủ tiếu,…).
  • Hạn chế natri: Những đồ ăn, nước uống chứa hàm lượng natri cao sẽ gây nên tình trạng tăng giữ nước khó khăn trong rút dịch.
    • Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thịt muối, gà muối, tôm đông lạnh, phô mai,…
    • Các loại mắm, dưa muối: mắm tôm, mắm ruốc, mắm cá, dưa chuột muối,…
    • Các món kho: cá kho, gà kho, thịt kho,…
    • Đồ uống: Nước ép rau quả đóng hộp, nước giải khát bù muối khoáng,…
  • Hạn chế kali: Những đồ ăn, nước uống có chứa hàm lượng kali cao sẽ gây nên tình trạng tăng kali máu dẫn tới yếu, liệt tay chân, nguy cơ rối loạn nhịp tim, nặng hơn có thể ngưng tim.
    • Trái cây: trái bơ, chuối, dừa, dưa hấu, cam, nho khô, trái cây sấy khô,…
    • Rau củ, quả: Đậu nướng, củ cải, bông cải xanh, dưa muối, bắp cải, dưa muối, đậu đen, cà chua,…
    • Thịt, trứng, sữa, phô mai, sô cô la,…
  • Hạn chế phốt pho: Những thực phẩm chứa nhiều phốt pho gây nên rối loạn chuyển hóa canxi hại thận và loãng xương.
    • Sữa và sản phẩm từ sữa.
    • Da , đồ lòng,…
    • Các loại hạt, ngũ cốc,…
  • Thức ăn giàu sắt: Bệnh nhân suy thận mạn thường kèm theo thiếu máu do thiếu sắt, nên cần bổ sung thực phẩm giàu sắt để tạo máu.
    • Thịt đỏ: thịt bò, lợn, cừu, dê,…
    • Động vật có vỏ: trai, sò, ốc,…
    • Các loại rau: Rau bina, bông cải xanh,…
    • Các loại hạt: Kiều mạch, hạch mắc ca, hạt bí ngô,…

Quy trình chuẩn bị chạy thận ( FAV, AV ghép, Catheter)

Cầu nối động - tĩnh mạch (FAV): Phẫu thuật tạo cầu nối động - tĩnh mạch nhằm nối động mạch và tĩnh mạch trong cánh tay, thường sẽ ưu tiên cánh tay không thuận để hạn chế ảnh hưởng tới sinh hoạt. Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì tính hiệu quả và an toàn. Cầu nối động - tĩnh mạch sau mổ thường cần phải được tập bóp banh, bóp kìm lò xo để giúp mạch máu giãn nở, thường cần chờ khoảng 6 tuần để đạt yêu cầu về kích thước và lưu lượng để chạy thận.

AV ghép:

AV ghép là lựa chọn thay thế nếu mạch máu người bệnh quá nhỏ, không thể tạo cầu nối động - tĩnh mạch. Phương pháp này được thực hiện bằng cách bác sĩ dùng một ống nhựa tổng hợp để tạo ra một đường dẫn giữa động mạch và tĩnh mạch dưới da cánh tay của người bệnh và sau khoảng 2 tuần thì có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo.

So với phương pháp lỗ rò AV thì phẫu thuật này có ưu điểm là giúp người bệnh được chạy thận sớm hơn. Tuy nhiên, ghép AV sẽ không bền như cầu nối động - tĩnh mạch, cứ sau vài năm, người bệnh sẽ phải thay một mảnh ghép mới. Và trong khi sử dụng AV ghép để chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ phải đến bệnh viện thường xuyên để bác sĩ kiểm tra mảnh ghép nhằm đảm bảo nó vẫn mở và hoạt động tốt.

Catheter tĩnh mạch:

Catheter tĩnh mạch thường (không- Cuff) thời gian dùng < 3 tuần: Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp cần chạy thận nhân tạo khẩn cấp. Bác sĩ sẽ đặt một ống thông bằng nhựa mềm vào tĩnh mạch ở cổ, dưới đòn hoặc bẹn để chạy thận tạm thời. Phương pháp này thường sẽ dễ gây nhiễm trùng và chảy máu nên thời gian sử dụng ngắn.

Catheter tĩnh mạch đường hầm (Có- Cuff) thời gian dùng > 3tuần- nhiều tháng:

  • Khi thực hiện kỹ thuật đặt catheter có đường hầm chạy thận nhân tạo, bác sĩ sẽ tạo đường hầm dài 8-10cm chôn catheter dưới da, xa chỗ tiếp cận tĩnh mạch và đặt Cuff ( nút chặn) ở gần lối ra của catheter dưới hướng dẫn của siêu âm. Catheter được làm bằng silicone hoặc polyurethane, thiết kế chuyên biệt cho chạy thận.
  • Catheter tĩnh mạch đường hầm có đường hầm xa chỗ tiếp cận tĩnh mạch và có Cuff ( nút chặn) nên giảm nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu.

Các biến chứng trong chạy thận nhân tạo có thể gặp?

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể gặp phải một vài biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Hạ huyết áp: là biến chứng thường gặp nhất của lọc thận. (Tìm hiểu thêm tại: https://benhvienhoangtuan.com/post/bien-chung-ha-huyet-ap-trong-qua-trinh-loc-mau)
  • Chuột rút
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
  • Buồn nôn, nôn, nhức đầu, hoặc nhầm lẫn (loạn dưỡng thẩm phân)
  • Nhiễm trùng
  • Sự hình thành máu đông (sự nghẽn mạch) trong lỗ động tĩnh mạch hoặc catheter
  • Các biến chứng kỹ thuật, chẳng hạn như tắc khí trong ống lọc máu

Lời khuyên của bác sĩ đối với người chạy thận nhân tạo?

Cần phải giữ gìn và chăm sóc FAV hoặc AV ghép: Bệnh nhân cần rửa sạch FAV hoặc AV ghép bằng xà phòng và nước ấm mỗi ngày và trước mỗi lần lọc máu; tuyệt đối không đè ép hay mang vác đồ vật nặng bằng tay có mổ FAV hoặc AV ghép; không đo huyết hay chích kim ở tay có mổ FAV hoặc AV ghép.

Kiểm tra FAV hoặc AV ghép mỗi ngày: Khi có bất thường về dòng máu hay cảm thấy không thoải mái bất kỳ điều gì về tay có mổ FAV hoặc AV ghép cần báo ngay cho bác sĩ.

Theo dõi cân nặng hàng ngày: Khi thận không làm việc, nước tiểu sẽ giảm, máy lọc thận giúp bệnh nhân lấy dịch thừa ra ngoài, vì vậy, những người này cần theo dõi cân nặng hàng ngày để giúp xác định lượng dịch dư thừa.

Chế độ ăn đặc biệt: Bệnh nhân cần tăng cường thêm Protein trong khẩu phần ăn, hạn chế thức ăn nhiều muối natri và kali, thức ăn nhiều chất khoáng có thể giúp bệnh nhân phòng tránh loãng xương.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!


Bác sĩ. Phương Thanh Phong
Bác sĩ. Lâm Vành Na

 

Bài viết liên quan

Suy Thận Mạn

Suy Thận Cấp