80A Lê Hồng Phong, P3, TP.Sóc Trăng - 27/6 Trần Hưng Đạo, P3, TP.Sóc Trăng

THIẾU MÁU THIẾU SẮT

1/ Khái niệm

- Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt để tạo Hemoglobin trong hồng cầu dẫn đến giảm chức năng vận chuyển oxy của hồng cầu. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn.

2/ Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

- Cung cấp không đủ chất sắt: Ăn kiêng quá mức, ăn chay trường, ăn không đủ thực phẩm giàu chất sắt.

- Tăng nhu cầu sử dụng sắt của cơ thể: trẻ dậy thì, phụ nữ thời kỳ có thai, kinh nguyệt, cho con bú,...

- Cơ thể giảm hấp thu sắt: viêm loét dạ dày, cắt một phần dạ dày, ruột, tiêu chảy kéo dài, hội chứng ruột kém hấp thu.

- Chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, trĩ, mất máu do kinh nguyệt nhiều, do phẫu thuật, chấn thương,…Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.

3/ Triệu chứng lâm sàng

- Giai đoạn 1: Chỉ giảm sắt dự trữ, người bệnh chưa bị thiếu máu, người bệnh chưa có biểu hiện rõ tình trạng thiếu máu.

- Giai đoạn 2: Đã cạn sắt dự trữ và giảm sắt vận chuyển, có triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt như: mệt mỏi, mất tập trung, chóng mặt thoáng qua.

- Giai đoạn 3: Thể hiện cả triệu chứng của thiếu máu và thiếu sắt. Có biểu hiện, mệt, khó thở, chóng mặt, ù tai, lượng kinh nguyệt ít hơn bệnh thường ở nữ. Tính tình dễ kích động, đôi khi trầm cảm, rụng tóc, cảm giác lạnh. Trẻ em chậm phát triển tâm thần, vận động, chậm phát triển chiều cao. Đôi khi cảm giác dị cảm, lưỡi nóng rát, thích ăn uống những thức ăn lạ (hội chứng Pica): thèm ăn đất sét, gạo sống, ăn nước đá, cảm giác khó nuốt, ăn kém, chán ăn. Mức độ nặng có thể choáng, ngất.

- Khám: Da xanh xao, niêm mạc nhợt, móng tay mất bóng, nhịp tim nhanh. 

Hình ảnh móng tay mất bóng, sần sùi trên bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt

4/ Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Theo Tổ chức Y tế thế giới, gọi là thiếu máu ở trẻ em khi lượng hemoglobin (Hb) dưới giới hạn sau đây:

- Trẻ sơ sinh (đủ tháng): Hb < 13.5 g/dL

- Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng: Hb < 9.5 g/dL

- Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi: Hb < 10.5 g/dL

- Trẻ từ 2 - 6 tuổi: Hb < 11 g/dL

- Trẻ từ 6 - 12 tuổi: Hb < 11.5 g/dL

- Nam trưởng thành: Hb < 13 g/dL

- Nữ trưởng thành (không mang thai): Hb < 12 g/dL

- Người lớn tuổi, phụ nữ mang thai: Hb < 11 g/dL.

- Tổng phân tích tế bào máu: Thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc.

- Sinh hóa máu: Ferritin huyết thanh < 30 ng/mL và hoặc độ bão hòa transferrin < 30%.

Chẩn đoán nguyên nhân:

˗ Đối với phụ nữ, tiền sử chảy máu tử cung bất thường, mang thai và/hoặc sinh nở.

˗ Các vấn đề về đường tiêu hóa như loét, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), viêm dạ dày tự miễn hoặc bệnh Celiac, phẫu thuật đường tiêu hóa (cắt dạ dày để giảm cân)

˗ Tiền sử gia đình hoặc cá nhân về rối loạn chảy máu, ung thư đại tràng.

˗ Sử dụng các loại thuốc có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin) và naproxen (biệt dược: Aleve, Naprosyn)

˗ Các triệu chứng của chảy máu đường tiêu hóa như tiêu phân đen sẫm, đau bụng hoặc xuất huyết có thể nhìn thấy.

˗ Nếu nguyên nhân mất máu không rõ ràng, cần làm thêm các xét nghiệm khác bao gồm nội soi đại tràng hoặc nội soi phía trên để tìm các vị trí chảy máu trong đường tiêu hóa và xét nghiệm máu để tìm một số bệnh lý gây cản trở sự hấp thụ sắt, chẳng hạn như viêm dạ dày tự miễn, bệnh Celiac và nhiễm H. pylori. tìm kiếm chảy máu trong đại tràng đặc biệt quan trọng ở những người trên 50 tuổi.

5/ Chẩn đoán phân biệt

- Thalassemia:

  • Lâm sàng: Biểu hiện thiếu máu từ nhỏ, thường có vàng da, lách to, có thể có tiền sử gia đình.
  • Xét nghiệm: Ferritin thường tăng; transferrin bệnh thường hoặc giảm; độ bão hòa transferrin tăng; khả năng gắn sắt toàn thể bệnh thường; bilirubin gián tiếp thường tăng; điện di hay sắc kí Hb phát hiện bất thường thành phần Hb.

- Thiếu máu trong viêm mạn tính:

  • Lâm sàng: tình trạng viêm mạn tính như viêm đa khớp dạng thấp, lao, lupus…
  • Xét nghiệm: Sắt huyết thanh giảm, ferritin tăng, transferrin bệnh thường, độ bão hòa transferrin bệnh thường hoặc giảm, khả năng gắn sắt toàn thể tăng, tốc độ máu lắng tăng; protein phản ứng (CRP) tăng.

- Thiếu máu trong suy dinh dưỡng:

  • Lâm sàng: tình trạng gầy, yếu. Có nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng như đói ăn, nhịn ăn,…trong thời gian dài.
  • Xét nghiệm: Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, protein huyết thanh giảm.

6/ Điều trị thiếu máu thiếu sắt

- Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù.

- Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống; chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp:

  • Thiếu máu thiếu sắt nặng, rất nặng;
  • Có thể không hấp thu được sắt uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh;
  • Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.

- Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt.

- Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài, Nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bệnh thường.

- Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.

- Nên uống trước khi ăn hoặc cùng bữa ăn.

- Thời gian dùng thuốc: 6 tháng đến 12 tháng.

- Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

- Hạn chế uống trà, cà phê ngay sau ăn.

- Bổ sung sắt qua chế độ ăn uống. Gan, thận, thịt bò, trái cây sấy, đậu Hà Lan khô, quả hạnh nhân, rau lá màu xanh đậm và bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bánh nướng xốp, ngũ cốc là một trong những thực phẩm có hàm lượng sắt cao nhất.

7/ Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt

- Những người đã từng bị thiếu máu do thiếu sắt một lần có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh này trở lại, có thể khuyến nghị bổ sung sắt để duy trì lượng sắt dự trữ cho cơ thể.

- Tuy nhiên, không nên uống thuốc bổ sung sắt và vitamin tổng hợp có chứa sắt mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Hơn nữa, việc sử dụng không cần thiết các chất bổ sung sắt có thể cản trở khả năng xác định tình trạng thiếu sắt của bác sĩ, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng khác như ung thư đại tràng hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Hầu hết nam giới và phụ nữ sau mãn kinh không cần bổ sung sắt trừ khi họ mắc bệnh cơ bản làm giảm hấp thu sắt hoặc gây chảy máu.

8/ Xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi đang thực hiện tại bệnh viện Đa Khoa Hoàng Tuấn

- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm tổng trở); Định lượng sắt huyết thanh; Định lượng Ferritin; Độ bão hoà Transferin.

- Theo dõi đáp ứng thuốc và kiểm tra tác dụng phụ: ALT, AST, GGT, Creatinin, Điện giải đồ (Na, K, Cl) máu.

- Theo dõi điều trị nguyên nhân gây thiếu máu: FT3, FT4, TSH; Pt, aPTT, Fibrinogen; Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng không sinh thiết; Nội soi đại trực tràng toàn bộ ống mềm không sinh thiết; Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi tươi.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !


BS CKI. Danh Chường

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Nguyễn Công Khanh (2004), Phân loại và chẩn đoán thiếu máu, Thiếu máu thiếu sắt, Thalassemia, Suy tuỷ xương, Huyết học lâm sàng Nhi khoa, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, trang 33-35, 63-78, 132-146, 165-171.
  2. Nguyễn Nghiêm Luật (2006), Chuyển hoá sắt và rối loạn chuyển hoá sắt, Bài giảng Hoá sinh sau đại học.
  3. Tomas Ganz. Iron deficency and overload. William Hematology 9th edition.pp.  650 - 672.

Bài viết liên quan

Rung Nhĩ

Suy Tim Mạn