80A Lê Hồng Phong, P3, TP.Sóc Trăng - 27/6 Trần Hưng Đạo, P3, TP.Sóc Trăng

VIÊM V.A & PHẪU THUẬT NỘI SOI

V.A là gì?

V.A (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho ở vòm họng, thường gọi là amiđan Luschka. Nó phát triển mạnh ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, sau đó bắt đầu thoái triển và hoàn toàn mất đi ở độ tuổi 10-12.

V.A đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn bằng cách sản xuất kháng thể. Do phải thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên nếu hệ miễn dịch yếu, điều kiện vệ sinh kém, thời tiết chuyển mùa, khói bụi,… có thể dẫn đến viêm nhiễm V.A.

Viêm V.A cấp tính thường xảy ra ở trẻ nhỏ, có thể ở trẻ lớn và người lớn nhưng rất hiếm.

Viêm V.A mạn tính là tình trạng khi V.A quá phát hoặc xơ hoá sau khi trải qua nhiều lần viêm nhiễm cấp tính.

Làm thế nào để nhận biết Viêm V.A?

Viêm V.A Cấp Tính:

  • Sốt cao đột ngột.
  • Co thắt thanh quản, đau tai.
  • Ngạt mũi, tiếng nói có giọng mũi.
  • Mủ và nhầy ở mũi, họng sưng đỏ.
  • Mất bóng ở màng nhĩ, hạch nhỏ ở góc hàm.

Viêm V.A Mạn Tính:

  • Chảy nước mũi và nghẹt mũi mạn tính.
  • Nước mũi mủ, nghẹt về đêm, tắc mũi phải thở bằng miệng.
  • Khối viêm VA to làm tăng tình trạng nghẹt và chảy nước mũi.

Các biến chứng thường gặp của Viêm V.A là gì?

Viêm V.A Cấp Tính:

  • Đường thở bị tắc nghẽn: Cửa mũi sau bị tắc, gây cản trở thở bằng mũi và ứ đọng dịch mủ ở mũi.
  • Lỗ thông khí vào tai giữa bị chặn: Gây viêm tai giữa cấp mủ, viêm tai giữa thanh dịch, lâu dài có thể dẫn đến giảm thính lực.
  • Gây ra viêm xoang, viêm họng - thanh quản, viêm phế quản, thậm chí các biến chứng xa hơn như viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp,…
  • Tiến triển thành viêm V.A mạn tính.
  • Có khả năng ngừng thở khi ngủ nếu biến chứng nặng.
  • Rối giấc ngủ, ngủ không yên, ngủ ngáy, giật mình và nghiến răng khi ngủ.

Viêm V.A Mạn Tính:

  • Trẻ không thể thở bằng mũi, dẫn đến các vấn đề sự phát triển về mũi, xương hàm và răng lâu ngày sẽ khiến em bé có bộ mặt V.A: Da xanh, miệng há, răng vẩu, răng mọc lệch, môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài thõng, hai mắt mở to, người ngây ngô.
  • Chậm phát triển thể chất và tinh thần ở trẻ.
  • Bao gồm các biến chứng tương tự như viêm V.A cấp tính.

Điều trị viêm V.A như thế nào?

Để chọn cách điều trị, quyết định phụ thuộc vào kết quả từ quá trình chẩn đoán. Ngoài việc kiểm tra lâm sàng thông thường, sử dụng nội soi tai mũi họng qua đường mũi là phương pháp hỗ trợ phổ biến và hiệu quả nhất. Nó giúp chẩn đoán chính xác tình trạng viêm nhiễm và đo lường mức độ phì đại của V.A. Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn đã trang bị máy nội soi cho tất cả các phòng khám tai mũi họng, giúp bác sĩ tối ưu hóa phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân.

Điều trị nội khoa

  • Áp dụng với những trường hợp viêm V.A cấp tính không có biến chứng.
  • Sử dụng các biện pháp tự nhiên như vệ sinh mũi, làm loãng dịch nhầy, thông đường thở bằng nước muối sinh lý, hút dịch mũi,…
  • Sử dụng khí dung mũi chứa thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm.
  • Nâng cao tình trạng sức khỏe và nghỉ ngơi đều quan trọng trong quá trình điều trị.
  • Kháng sinh toàn thân chỉ được sử dụng trong những trường hợp nặng và có biến chứng.
  • Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị viêm V.A cấp tính ở trẻ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tránh tự y án tự mua thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ để đảm bảo hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị.

Chỉ định phẫu thuật:

  • Viêm V.A mãn tính tái phát nhiều đợt viêm cấp tính, tái đi tái lại (5 - 6 lần /1 năm).
  • Viêm V.A gây ra các biến chứng, nạo V.A có thể được đề xuất để giải quyết nguyên nhân, giảm triệu chứng và loại bỏ nguồn nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị các biến chứng hiệu quả hơn.
  • V.A quá phát, ảnh hưởng đến đường thở, nạo V.A nhằm cải thiện thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.

Các phương pháp phẫu thuật nạo V.A:

  • Nạo V.A mù bằng Moure hoặc La Force: Phương pháp truyền thống, sử dụng lâu dài, nhanh chóng và chi phí thấp, nhưng không chính xác, có thể gây tổn thương và khó kiểm soát máu sau khi nạo.
  • Nạo V.A bằng dao điện đơn cực: Thời gian mổ nhanh, ít mất máu và chi phí thấp, nhưng có thể gây trầy xước niêm mạc hố mũi và không triệt để.
  • Nạo V.A bằng Laser: Phương pháp ít chảy máu, thời gian phục hồi nhanh, nhưng chi phí cao.
  • Nạo V.A bằng Coblator: Kết hợp cắt và cầm máu ở nhiệt độ thấp, không gây tổn thương nhiều mô xung quanh.
  • Nạo V.A bằng máy Microdebrider (Hummer): Phổ biến, lấy mô nhanh, chính xác, nhưng có thể mất nhiều máu và cần sử dụng thiết bị cầm máu hỗ trợ.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn đã triển khai phẫu thuật nạo V.A qua nội soi bằng máy Microdebrider kết hợp với đông cầm máu bằng dao điện. Điều này giúp nâng cao ưu điểm đã có của phương pháp nạo V.A bằng máy Microdebrider đơn thuần đồng thời loại bỏ hạn chế nhằm tối ưu hiệu quả phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi nạo V.A bằng máy Microdebrider kết hợp với đông cầm máu bằng dao điện:

  • Chính xác và hiệu quả.
  • Giảm chảy máu.
  • Thời gian phẫu thuật ngắn.
  • Không gây đau đớn nhiều.
  • Tầm nhìn tốt hơn.
  • Ít tác động đến mô xung quanh.
  • Phục hồi nhanh chóng.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!


Người viết

Bác sĩ CKII. Thạch Hoàng Huy - Trưởng khoa TMH - Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn
Bác sĩ. Nguyễn Thành Đức

 

Bài viết liên quan

Viêm tai giữa cấp

Viêm mũi xoang cấp