80A Lê Hồng Phong, P3, TP.Sóc Trăng - 27/6 Trần Hưng Đạo, P3, TP.Sóc Trăng

Định nghĩa

Viêm tai giữa cấp (AOM) là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virut ở tai giữa, thường đi cùng với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khoảng 50% trẻ em sẽ bị ít nhất 1 lần nhiễm trùng tai khi chúng được 2 tuổi. Độ tuổi phổ biến nhất mà trẻ có khả năng mắc AOM là từ 3 đến 24 tháng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm tai giữa cấp có thể là do virut hoặc vi khuẩn. Nhiễm vi trùng thường phức tạp do nhiễm khuẩn thứ phát.

  • Ở trẻ sơ sinh, khuẩn que gram âm trong ruột, đặc biệt Escherichia coli, và Staphylococcus aureus gây ra viêm tai giữa cấp.
  • Ở trẻ lớn hơn và trẻ < 14 tuổi, vi khuẩn phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, và Haemophilus influenzae không định type; các nguyên nhân ít phổ biến hơn là Liên cầu tan huyết beta nhóm A và S. aureus.
  • Ở bệnh nhân > 14 tuổi, S. pneumoniae, liên cầu tan huyết beta nhóm A, và S. aureus là phổ biến nhất, theo sau là H. influenzae.
  • Người thân trong gia đình hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đáng kể cho viêm tai giữa cấp. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
    • Tiền sử gia đình.
    • Sống trong vùng ô nhiễm.
    • Bú sữa bình.
    • Đến nhà trẻ.

Chẩn đoán

Lâm sàng:

Các triệu chứng của AOM khác nhau và có thể phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng phát triển của trẻ. Triệu chứng cụ thể nhất là đau tai. Cơn đau này thường đột ngột và dữ dội. Nó thường đánh thức trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khi ngủ. Có thể xảy ra cùng lúc với viêm mũi họng (trẻ sốt cao, chảy mũi, nghẹt mũi). Tuy nhiên, không thể chỉ sử dụng các triệu chứng để chẩn đoán AOM. Giảm thính lực tùy theo lứa tuổi có biểu hiện khác nhau.

Khám soi tai: (phóng đại) điển hình là màng nhĩ phồng lên, có thể thấy mủ chảy ra từ màng nhĩ và nhìn thấy sự xuất hiện của mủ phía sau màng nhĩ.


Hình 1. Màng nhĩ bình thường


Hình 2. Viêm tai giữa cấp

Cận lâm sàng:

Đo nhĩ lượng: (tiêu chuẩn chính để chẩn đoán) nhĩ đồ có dạng C hoặc B theo phân loại Jerger.

Đo thính lượng: điếc dẫn truyền thường tới 20-40dB.

Điều trị

Kháng sinh toàn thân, thích hợp, thời gian dùng ít nhất 7 ngày, cho đến khi dấu hiệu nhiễm trùng không còn nữa. Đánh giá đáp ứng điều trị làm kháng sinh đồ nếu cần thiết.

Trường hợp có thủng nhĩ: Khai thông lỗ thủng, hút sạch các chất nhầy ở trong mũi.

Chủ động rạch màng nhĩ nếu màng nhĩ chưa vỡ (có chỉ định). Thường vị trí rạch ở vị trí ¼ sau dưới. Đường rạch phải dẫn lưu tốt, hút sạch mủ và làm thuốc tai hàng ngày.

Vấn đề quan trọng nhất để phòng những đợt tái phát là phải điều trị các bệnh lý  nguyên nhân như : đối với trẻ em cần nạo V.A, đối với người lớn cần điều trị viêm xoang, chỉnh hình vẹo vách ngăn, cắt đuôi cuốn quá phát...

Tiên lượng và biến chứng

Đối với viêm tai giữa thanh dịch có thể tự khỏi trong vòng 20 ngày hoặc sau khi điều trị đúng. Sức nghe được phục hồi.

Một số biến chứng có thể gặp:

  • Tái phát viêm.
  • Bội nhiễm, từ cấp tính thành mạn tính.
  • Xơ dính trong hòm tai.

Phòng bệnh

Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị viêm đường hô hấp trên kéo dài. Vệ sinh mũi họng và làm thông thoáng mũi khi trẻ bị những đợt viêm mũi họng cấp.

Nếu trẻ bị VA hay amiđan phì đại gây tắc nghẽn đường hô hấp gây viêm nhiễm tái phát nhiều lần nên nạo VA và cắt amiđan.

Khám tai mũi họng định kỳ cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên để phát hiện và điều trị sớm viêm tai thanh dịch.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!


Người viết:

Bác sĩ CKII. Thạch Hoàng Huy - Trưởng khoa TMH - Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn
Bác sĩ. Lâm Thành Nghiệp

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y Tế (2015), Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về Tai Mũi Họng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
2. Caroline R.Paul, Megan A Moreno (2020), “Acute Otitis Media”, Jama Pediatrics Patient, 174(3), PP. 308.

 

Bài viết liên quan

Viêm mũi xoang cấp