Bệnh Thủy Đậu
1/ Tổng quan
Thủy đậu còn được gọi với tên trái rạ là bệnh thuộc dạng truyền nhiễm cấp tính. Nguyên nhân thủy đậu là do virus Varicella gây nên, có thể bị tiêu diệt bởi thuốc sát khuẩn thông thường. Tuy nhiên, loại virus này cũng có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể và sẽ hoạt động trở lại nếu gặp điều kiện thuận lợi.
Tất cả đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc song phổ biến hơn ở trẻ em. Bệnh có thể được nhận rõ qua các nốt mụn nước nổi khắp cơ thể, kể cả trong vùng miệng, lưỡi và những biến chứng chúng gây ra rất nguy hiểm cho con người.
Thời điểm khí hậu nồm ẩm chính là lúc virus này hoạt động mạnh và mức độ lây lan nhanh chóng nhất.
- Đường lây:
Chúng có thể lây từ người sang người khi có sự tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn lúc nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc từ dịch ở các nốt phỏng. Bên cạnh đó, nếu người lành tiếp xúc với đồ vật đã nhiễm dịch của người bệnh như bát đũa, cốc, bàn chải, khăn mặt hoặc đồ ăn,... cũng có thể bị bệnh.
- Triệu chứng lâm sàng:
Bệnh có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có các triệu chứng khác nhau:
+ Giai đoạn ủ bệnh:
Đây là giai đoạn nhiễm virus, người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Đây cũng là thời điểm virus lây lan nhiều nhất.
+ Giai đoạn khởi phát:
Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.
+ Giai đoạn toàn phát:
Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.
+ Giai đoạn hồi phục:
Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu sẽ để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi chúng biến mất.
- Biến chứng:
Thủy đậu là một căn bệnh có bản chất lành tính, bệnh có thể khỏi và phục hồi nhanh chóng sau 7 – 10 ngày mà không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thủy đậu có thể biến chứng nghiêm trọng, phải nhập viện và thậm chí tử vong, nếu may mắn vượt qua các biến chứng của bệnh vẫn có nguy cơ rất cao di chứng kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý người bệnh.
- Nhiễm trùng, gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa.
- Gây viêm não, viêm màng não(xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
- Viêm phổi thủy đậu: biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thởvà tức ngực.
- Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.
- Phụ nữ mang thai bị bị thủy đậu, mẹ bầu nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con, bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.
2/ Dịch tễ
- Trẻ dưới 5 tuổi: Đây là nhóm nguy cơ cao vì có hệ miễn dịch còn đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện, không đủ khả năng chống lại sự tấn công của VZV và sự xâm nhập của các tác nhân gây hại khác bên ngoài môi trường, khiến trẻ dễ mắc các biến chứng của thủy đậu như viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết…
- Thanh thiếu niên: Đây là nhóm đối tượng rơi vào “khoảng trống miễn dịch” thường bị bỏ quên các mũi tiêm nhắc lại và các loại vắc xin cần tiêm trong độ tuổi.
- Người lớn: Người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thường có diễn tiến bệnh lý nặng nề hơn và khó phục hồi hơn so với trẻ em, dễ biến chứng, đặc biệt là biến chứng viêm phổi.
- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, cơ thể người mẹ bị thay đổi nhiều về sinh lý, hệ miễn dịch bị suy giảm, khả năng đào thải và chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bị suy yếu trầm trọng. Do đó, đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc các biến chứng của thủy đậu.
- Người bị suy giảm miễn dịch: Những người bị suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh mạn tính, đang điều trị bằng hóa trị, xạ trị, đang dùng thuốc ức chế khả năng phản ứng của hệ miễn dịch,… có nguy cơ cao hơn mắc bệnh thủy đậu và biến chứng nghiêm trọng.
3/ Cách phòng bệnh
- Tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh thủy đậu để ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh từ người bệnh sang người lành, vì thủy đậu có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng thông qua đường hô hấp và qua các tiếp xúc lên dịch viêm trên các vùng da sang thương do thủy đậu gây ra.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với những vật thể nghi ngờ có chứa mầm bệnh và tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là khi không biết rõ ràng về tình trạng sức khỏe của người đó. Chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để vô khuẩn cho đường hô hấp trên và vùng niêm mạc họng, giúp hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh thủy đậu.
- Tiêm vaccine tạo miễn dịch đặc hiệu với bệnh thủy đậu là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất.
Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !
ThS.BS.Trịnh Thị Thúy Anh
Phòng khám Tư vấn - Tiêm ngừa Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn