80A Lê Hồng Phong, P3, TP.Sóc Trăng - 27/6 Trần Hưng Đạo, P3, TP.Sóc Trăng

ĐIỀU TRỊ TỦY 

1/ Định nghĩa

- Tủy răng là mô liên kết đặc biệt nằm bên trong răng, có chức năng nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác cho răng.

- Khi tủy răng bị bệnh mà không được điều trị, viêm nhiễm từ tủy răng sẽ lan xuống vùng chóp răng gây nhiễm trùng chóp, nhiễm trùng lan rộng gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân. Nhiều năm về trước, những răng có bệnh lý viêm tủy đều phải nhổ bỏ. Ngày nay, việc điều trị tủy giúp giữ được răng, tránh được các biến chứng sau này.

- Viêm tủy răng là tình trạng vùng tủy và các mô quanh chân răng bị viêm nhiễm. Thường là hậu quả của một quá trình tiến triển của sâu răng và sự phá hủy của vi khuẩn đối với tủy răng.

2/ Nguyên nhân

- Viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng không chữa trị kịp thời, những vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tủy răng chủ yếu qua các lỗ sâu và gây bệnh.

- Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như răng bị vỡ, mẻ, cấu trúc bất thường của răng, các phục hồi chưa chính xác, mòn răng quá nhiều hay do tai nạn chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng.

3/ Triệu chứng

- Dấu hiệu đầu tiên của viêm tủy răng là đau. Đau có thể đột ngột, dữ dội, và theo mạch đập, hoặc có thể âm ỉ, khó chịu.

- Viêm tủy có khả năng hồi phục:

  • Đau nhói, ê buốt răng khi ăn uống đồ lạnh, ngọt, kéo dài chỉ vài giây.
  • Răng không đau khi gõ.

- Viêm tủy không có khả năng hồi phục:

  • Đau tự nhiên, dữ dội, kéo dài hơn 15 phút sau ăn thức ăn nóng, lạnh.
  • Đau khi gõ vào răng.
  • Khó xác định răng gây đau.

- Vì tủy răng không có khả năng tự lành thương, nên khi bị vi khuẩn tấn công, tủy răng sẽ trở nên yếu, viêm nhiễm và chết. Đồng thời những cơn đau do tủy bị viêm thường dữ dội, không thể chịu đựng được.

- Tủy răng khi bị viêm nhiễm mà không điều trị kịp thời dẫn đến răng phải nhổ bỏ, sẽ để lại khoảng trống mất răng trong miệng. Khoảng trống này sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, sinh hoạt và công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, việc làm một chiếc răng giả để bù vào răng đã mất đôi khi phức tạp, ảnh hưởng đến các răng và các tổ chức xung quanh cũng như khó có thể mang lại cảm giác như một răng thật.

4/ Điều trị

- Đối với viêm tủy có khả năng hồi phục: loại bỏ nguyên nhận sau đó điều trị phục hồi.

- Đối với viêm tủy không có khả năng hồi phục: Tiến hành lấy tủy răng để loại bỏ phần tủy răng đã nhiễm trùng, trám bit hệ thống ống tủy và điều trị phục hồi.

- Điều trị tủy là kĩ thuật có từ lâu tuy nhiên điều trị bằng file máy, đê cao su mới ra đời được vài năm trở lại đây, phòng khám RHM luôn tiếp cận những công nghệ mới để hướng tới chăm sóc sức khỏe răng miệng một cách tốt nhất khách hàng.

- Sử dụng đê cao su cô lập răng cần điều trị với khoang miệng, ngăn cản sự thấm nước bọt, giảm vi khuẩn từ khoang miệng xâm nhập vào ống tủy trong quá trình điều trị. Bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ dụng cụ nhỏ rơi vào miệng, các hóa chất bơm rửa ống tủy.

- Máy đo hiện đại xác định chiều dài chân răng. Cùng hệ thống trâm máy giúp làm sạch và tạo hình ống tủy tốt, tiết kiệm thời gian làm việc, bệnh nhân đỡ phải há miệng lâu so với làm dụng cụ tay thủ công.

- Máy X-quang kỹ thuật cao giúp kiểm tra chiều dài ống tuỷ, kiểm tra vật liệu bít tuỷ trước, trong và sau điều trị.

5/ Dự phòng

- Có thể thấy rằng, viêm tủy răng là bệnh lý rất nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng của mọi người. Và cách điều trị cần thiết chính là phòng ngừa mắc bệnh để sở hữu hàm răng khỏe mạnh. Khám răng miệng định kỳ để chủ động phòng ngừa các bệnh lý nha khoa. Một số biện pháp dự phòng: 

  • Vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách từ 2-3 lần/ngày.
  • Sử dụng bàn chải lông mềm, mảnh và kem đánh răng có chứa flour.
  • Tạo thói quen sử dụng chỉ tơ nha khoa thay vì tăm truyền thống để tránh làm tổn thương nướu.
  • Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, thức ăn có tính axit cao…
  • Lấy cao răng thường xuyên, ngăn chặn các ổ vi khuẩn phát triển quá mức gây bệnh.

Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi !


BS. Trần Kim Dung

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Trần Giao Hòa (2018), Điều trị tủy, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.

2. Aguilar P, Linsuwanont P. (2011), Vital pulp therapy in vital permanent teeth with cariously exposed pulp: a systematic review. J Endod, 2011 May, 37(5), pp. 581-587.
3. Matsuo T, Nakanishi T, Shimizu H, Ebisu S. (1996), A clinical study of direct pulp capping applied to carious-exposed pulps. J Endod, 1996 Oct, 22(10),pp. 551-556.

Bài viết liên quan

Dán sứ veneer

Chụp Cone Beam CT