Các dấu hiệu lão hóa của làn da tuổi 30
Da mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn
Sản xuất collagen tuổi 30 có dấu hiệu bị chậm lại, làn da không còn căng bóng, săn chắc, xuất hiện các đường rãnh ở vùng khóe môi, vùng trán và vùng đuôi mắt.
Da không đều màu
Ở tuổi 30, các tế bào da cần nhiều thời gian hơn để thay mới so với ở tuổi 20. Do đó các đốm nâu, nám, tàn nhang đậm màu hơn. Hoặc do nội tiết tố thay đổi khi mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh làm cho các vấn đề trên trở nên trầm trọng.
Mụn xuất hiện
Mụn thường xuất hiện ở giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên sau tuổi 30, làn da vẫn có khả năng nổi mụn do thay đổi nội tiết và do nghề nghiệp, môi trường hoặc do sử dụng mỹ phẩm không phù hợp.
Da thiếu ẩm
Khả năng tái tạo lại các tế bào trở nên suy yếu và chậm dần. Do đó, làn da ở tuổi 30 nhanh bị mất nước và thiếu ẩm. Môi trường làm việc văn phòng tiếp xúc hàng ngày với máy lạnh cũng góp phần làm làn da chúng ta trở nên khô ráp hơn.
Hình 1. Các dấu hiệu của làn da tuổi 30
Quy trình chăm sóc da tuổi 30
Rửa mặt
Khuyến cáo sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp cho từng loại da, da không quá khô căng sau khi rửa.
Chống nắng
Tia UV là nguyên nhân của hơn 80% các vấn đề về da. Phương pháp tốt nhất để chống lão hóa làn da là:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h – 15h.
- Sử dụng nón rộng vành, khẩu trang,… che chắn.
- Kết hợp dùng kem chống nắng để chống lại tia UV.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF 30 hoặc cao hơn, bôi lên tất cả những phần da lộ ra trước ánh nắng khoảng 20 phút trước khi ra ngoài.
Cần chọn kem chống nắng phù hợp với loại da.
Chỉ số SPF và PA trong kem chống nắng: SPF thường sử dụng 30-50. PA là Protection Grade of UVA đây là chỉ số đo lường giúp da chống lại tia UVA có trong ánh nắng mặt trời.
- PA+: giúp da chống UVA trong vòng 4h đồng hồ
- PA++: giúp da chống UVA trong vòng 8h đồng hồ
- PA+++: giúp da chống UVA trong vòng 12h đồng hồ.
Thời điểm bôi kem chống nắng: bôi kem trước khi ra ngoài từ 15 - 20 phút. Trong trường hợp cần tham gia các hoạt động ngoài trời khiến cho lớp kem chống nắng bị trôi đi thì hãy tẩy trang và bôi lại lớp kem chống nắng sau 2 giờ.
Bôi một lượng đủ lên da: Sử dụng chiều dài 2 lóng tay cho 1 lần bôi mặt và cổ. Bôi kem chống nắng mỗi ngày: cần phải bôi kem chống nắng mỗi ngày kể cả ở trong nhà hay khi đi ra ngoài, khi trời ít nắng, nhiều mây hay trời mùa đông thì các tia UV vẫn hoạt động và làn da hấp thụ đến 80% các tia tử ngoại có hại. Có thể kết hợp bôi, che chắn và viên uống chống nắng để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Dưỡng ẩm
Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp từng loại da. Ngoài ra cần chú ý đến yếu tố thời tiết, môi trường làm việc, nhiệt độ...
- Da dầu: gel.
- Da khô: cream, mỡ.
- Da mụn: sản phẩm chứa các hoạt chất salicylic, niacinamide, kẽm oxit...
Hình 2. Quy trình chăm sóc da
Các bước chăm sóc da chuyên sâu: Như đã đề đề cập ở trên, sau tuổi 30 những vấn đề lão hoá da bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn, ngoài những bước chăm sóc cơ bản như trên chúng ta cần có những hoạt chất điều trị để làn da chúng ta có thể cải thiện và duy trì vẻ đẹp theo thời gian.
Tẩy tế bào chết
Vật lý: dùng các hạt để tạo sự ma sát trên da, giúp lấy đi những tế bào da chết và bụi bẩn trên bề mặt da, nên ưu tiên cho da khoẻ, không có quá nhiều vấn đề về da.
Hóa học: BHA, AHA, PHA, peel da... Sử dụng các hoạt chất hoá học để tẩy tế bào chết trên bề mặt và sâu trong lỗ chân lông, giải quyết được khá nhiều vấn đề về da, tuy nhiên đây là sản phẩm cần được sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ thuộc chuyên khoa Da Liễu để tránh các biến chứng như : kích ứng da, mỏng da, đỏ da, tăng sắc tố, nhiễm trùng.
Các sản phẩm điều trị theo từng vấn đề da
- Nếu da mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn: Tretinoin, Retinol, yếu tố tăng trưởng, bakuchiol...
- Da không đều màu: Tretinoin, HQ (Hydroquinone), Arbutine, Azelaic Acid, Vitamin C, tranexamic acid,niacinamid, steroid...
- Da Mụn: adapalene, benzoyl pereoxide, kháng sinh, BHA, kẽm oxide, Azelaic Acid...
- Da thiếu ẩm: HA (Hyaluronic Acid), glycerin, dầu thực vật...
- Da nhạy cảm: B5 (panthenol), Niacinamide, vitamin E, glycerin...
Các chăm sóc khác
- Uống đủ nước, ngủ đủ giấc.
- Dinh dưỡng.
- Thực phẩm bổ sung: viên uống chống nắng, vitamin, collagen, viên uống trắng da...
- Các sản phẩm khác: toner, mặt nạ dưỡng da, xịt khoáng, kem dưỡng da vùng mắt, cổ...
Các phương pháp kết hợp:
Nếu sử dụng các thuốc bôi , uống vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn chúng ta có thể chọn các thủ thuật khác để nâng cao hiệu quả, giúp cải thiện làn da nhanh chóng hơn như: Laser, ánh sáng sinh học, IPL, lăn kim, phi kim, mesotheraphy, filler, botox...
Tóm lại
Chăm sóc da là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nếu chúng ta không có quá nhiều thời gian có thể thực hiện 3 bước cơ bản: Làm sạch, chống nắng, dưỡng ẩm. Chăm sóc da chuyên sâu cần tối ưu hóa trên từng bệnh nhân tuỳ thuộc vào nhu cầu làm đẹp, tình trạng da, thời gian, kinh tế.
Nếu bạn chưa tìm được các sản phẩm chăm sóc da phù hợp hoặc có các vấn đề về da mà chưa giải quyết được, hãy chọn cơ sở điều trị có các bác sĩ chuyên khoa để giúp bạn đưa ra một quy trình chăm sóc da phù hợp.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn và Trung Tâm Y khoa Hoàng Tuấn Vĩnh Châu thực hiện khám và tư vấn chăm sóc da miễn phí cho tất cả các đối tượng khách hàng, làm việc tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ.
Tập thể nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong thời gian qua. Kính chúc quý khách hàng có một làn da đẹp, khoẻ mạnh, tự tin và thành công trong cuộc sống !
Được phục vụ quý khách là vinh dự của chúng tôi!
Bác sĩ CKI. Triệu Kim Nguyên
Bác sĩ. Trần Thị Hồng Thơ
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS.Nguyễn Văn Thường (2019), “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, pp. 50-60.
2. PGS.TS.Huỳnh Văn Bá (2020), “Chăm sóc da thẩm mỹ”, Nhà xuất bản Y Học, Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ.